-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ý nghĩa vòng tròn Zen trong mối liên kết giữa con người và tự nhiên Nhật Bản
Ngày đăng: 19/07/2020Vòng tròn Zen, hay còn được gọi là Enso là một biểu tượng trong thiền tông Nhật Bản. Zen là một vòng tròn không khép kín, vẽ bằng tay với chỉ một hoặc hai nét bằng bút lông và mực. Phần không khép kín chính là phần cuối cùng của nét vẽ cho nên sự không hoàn hảo chính là sự hoàn hảo, người hoạ sĩ đã không cưỡng cầu, không cố gắng để có 1 vòng tròn đầy đặn, vì đến đó đã là 1 tuyệt tác, đã đủ đầy rồi. Vòng tròn dù không kín nhưng vẫn rất hoàn hảo, không bị tù túng, gò bó. Nghĩ xa hơn, vòng tròn Zen biểu hiện cho sự tĩnh lặng, tức là tâm trong trạng thái trong suốt, không suy tính hay mưu toan bất cứ điều gì.
Nếu xem vòng tròn Zen là vũ trụ, sự không khép kín hiển thị cho cái không biên giới, các bao la của vũ trụ. Còn nếu xem vòng tròn là biểu thị của tư duy, thì sự không khép kín chính là sự mở mang đến tận cùng của tư duy, không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Vòng tròn Zen tuy là một biểu tượng về mặt tâm linh nhưng có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống, tự nhiên và con người Nhật Bản. Để hiểu được tầng nghĩa sâu xa của vòng tròn Zen, ta phải có cái nhìn rộng lớn và bao quát, sự diễn đạt về mặt từ ngữ chỉ mang tính chất tương đối vì bản thân vòng tròn Enso đã hiện bày đầy đủ ý nghĩa. Đối với người Nhật, vòng tròn Zen chính là triết lý sống, luôn ung dung sống với tâm an lành, bình ổn cho dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào và đừng làm cho suy nghĩ hay tư duy mình bị mắc kẹt, bị kiềm hãm trong một vòng tròn, mà hãy khai phóng, mở rộng nó ra, để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống với sự bình tĩnh và sáng suốt nhất. Có lẽ vì thế mà cả thế giới đều đã từng không khỏi bất ngờ khi thấy ở 1 đất nước có quá nhiều thiên tai như động đất, lũ lụt, nhưng sau mỗi lần như vậy vẫn thấy người Nhật rất điềm nhiên, rất kỉ luật, không hề phàn nàn hay đổ lỗi mặc dù vừa trải qua vô vàn mất mát.
Người Nhật rất yêu và gắn bó với thiên nhiên, điều này thể hiện không chỉ trong thơ ca hay các tác phẩm văn học của họ mà còn ở cách họ sống mỗi ngày. Họ ở trong các ngôi nhà truyền thống được làm từ các chất liệu tự nhiên như gỗ, rơm… Nhà dù nhỏ đến đâu, cũng sẽ có 1 khoảnh vườn con con hoặc đôi khi chỉ là vài cái cây, vài miếng đá nhỏ. Tốc độ hiện đại hoá của Nhật dường như nhanh nhất thế giới nhưng môi trường không vì thế mà bị huỷ hoại, không khí vẫn rất trong lành, các địa danh đều giữ được vẻ đẹp của thiên nhiên trao tặng, cả đất nước sạch sẽ không có một bóng rác. Tình yêu sâu sắc với thiên nhiên của người Nhật cũng không nằm ngoài triết lý vòng tròn Zen, cho dù hoàn cảnh sống có trở ngại đến đâu chăng nữa, họ vẫn không bỏ cuộc mà mặc kệ hay phá hoại, cũng không gò bó ép buộc mình phải giữ gìn, họ xem tình yêu với thiên nhiên là một thứ tình cảm không giới hạn và hoàn toàn cam tâm tình nguyện để làm cho môi trường sống của mình ngày một xanh hơn.
Thấu hiểu được ý nghĩa của vòng tròn Zen, cách mà người Nhật truyền thống luôn vận dụng nhuần nhuyễn lối sống Zen vào cuộc sống thì ta mới phần nào hiểu được vì sao xứ sở mặt trời mọc trở thành một trong những đất nước đáng sống nhất thế giới. Những đối tác khi làm việc với Nhật Bản, để có mối quan hệ tốt đẹp, cả 2 cùng thắng thì cũng phải vận dụng tinh thần Zen vào phong cách làm việc của mình. Đó cũng là điều mà nhà sáng lập Callme rút ra sau hơn 22 năm làm việc với các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản, yêu thích văn hóa truyền thống Nhật, và cơ duyên hợp tác trở thành nhà phân phối đại diện các thương hiệu lọc nước, xử lý nước đến từ Nhật Bản tại Việt Nam.
Zen chính là ý nghĩa đồng hành cùng triết lý kinh doanh của Callme.